CẢ NƯỚC ĐỂ TANG ĐẠI TƯỚNG

Ngày 5.10, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và Quân ủy T.Ư đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

 

 Cả nước để tang Đại tướng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1986) – Ảnh: TTXVN

Thông cáo nêu rõ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp (bí danh Văn); sinh ngày 25.8.1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy T.Ư, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân VN; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII. Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, Đại tướng đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4.10.2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân VN, đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của VN và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta.

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và Quân ủy T.Ư quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Cùng ngày, Ban Lễ tang do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban cũng đã ra thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, linh cữu Đại tướng quàn tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 ngày 12.10. Lễ truy điệu bắt đầu từ 7 giờ, ngày 13.10.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình).

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất TP.HCM.

Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12 giờ ngày 11.10 đến 12 giờ ngày 13.10.2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

 

1.500 ngày ở Khoa A11

Do tuổi cao sức yếu kém, 1.500 ngày cuối của cuộc đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó với Khoa A11, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Là một trong những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tá – TS Nguyễn Phương Đông, Chủ nhiệm Khoa A11, nhớ rất rõ: “Đại tướng là người rất điều độ trong ăn uống, sinh hoạt. Năm 2009, Đại tướng lúc đầu chỉ bị một bệnh là tăng huyết áp, sau đó mới bị viêm phổi, nhưng đây không phải là bệnh mạn tính. Với người cao tuổi ở VN mà bệnh như vậy thì phải là người có sức khỏe khá tốt. Theo chúng tôi, có được sức khỏe như vậy là do Đại tướng ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập khoa học. Ngay cả kiểm tra sức khỏe của Đại tướng cũng cho thấy không có vấn đề gì”.

Cũng từ năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở lại luôn trong Khoa A11 để các bác sĩ có thể đảm bảo được điều kiện chăm sóc tốt nhất. “Chúng tôi xác định điều trị tối ưu, hợp lý nhất, tất cả thuốc, các phương án điều trị đều phải thông qua hội đồng chuyên môn. Lúc nào cũng có người theo dõi để xem diễn biến về sức khỏe, tâm lý, tình cảm của Đại tướng. Về ăn uống, chúng tôi mời Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng, để trên tình trạng bệnh lý của Đại tướng xác định chế độ ăn uống cho phù hợp. Bên cạnh việc điều trị, các đồng chí thư ký đọc báo vẫn đọc cho Đại tướng nghe…”, TS Đông xúc động khi nhớ lại những ngày được ở gần Đại tướng.

TS Đông còn cho biết: “Thời gian đầu khi Đại tướng ăn được, nhiều lúc bác khen ngon. Chị đầu bếp được Đại tướng khen nhiều nhất là chị Sinh (chị đã mất). Về sau khi sức khỏe yếu, chuyển sang ăn cháo, ăn súp Đại tướng cũng hài lòng ăn hết khẩu phần, chỉ trừ khi mệt nhiều. Đại tướng xác định ăn uống cũng như là thuốc, để đảm bảo sức khỏe”. Mọi cán bộ, nhân viên đều cảm nhận được Đại tướng luôn lạc quan, tin tưởng vào sự điều trị của bệnh viện và bản thân luôn rèn sức khỏe. “Cách đây độ 3 tháng, Đại tướng vẫn tập khí công theo sự hướng dẫn của con trai. Đại tướng ý thức tập để giúp cho cơ thể hồi phục”, TS Đông kể.

“Khoảng 2 tháng trở lại đây sức khỏe Đại tướng diễn biến xấu vì rất nhiều bệnh mạn tính trên nền cao tuổi, mặc dù chúng tôi đã nỗ lực cố gắng hết sức nhưng tất cả đã vượt ngoài tầm của y học. Sau hơn 1.500 ngày điều trị tại đây Đại tướng đã ra đi. Chúng tôi biết ngày này thế nào rồi cũng đến…”, giọng TS Đông chùng xuống.

Hồng Hải – Liên Châu

 

Vĩ đại không chỉ ở những chiến công…

Cả nước để tang Đại tướng

Khi nghe tin bác Võ Nguyên Giáp qua đời, cảm giác đầu tiên của tôi là bâng khuâng, hẫng hụt. Về lĩnh vực quân sự, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ ở VN mà thế giới đã thừa nhận và kính phục. Điều khiến tôi khâm phục ở bác Giáp là việc gì Đảng giao cũng đều sẵn sàng làm, với tinh thần nghiêm túc cao nhất, rất tận tâm, tận lực.

Đại tướng cũng là một con người rất đáng nể phục về nhân cách và tâm huyết với đất nước. Những năm cuối đời, ông vẫn luôn dõi theo các vấn đề hệ trọng của đất nước, luôn đóng góp ý kiến đúng lúc, đúng chỗ với tinh thần xây dựng tuyệt đối, có lúc, có việc được lắng nghe chấp nhận, cũng có việc không nhưng ông đều thể hiện thái độ rất đúng mực, không bất mãn, không phản ứng. Sự vĩ đại của ông không chỉ thể hiện ở những chiến công lừng lẫy mà còn thể hiện rõ trong cuộc sống, ứng xử nhân văn của ông với các anh em, đồng chí, bạn bè. Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân VN đều thương tiếc khi ông qua đời.

(Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng)

90 triệu dân bàng hoàng

 

Cả nước để tang Đại tướng3

Trong cuộc đời, tôi may mắn nhiều lần được gặp bác Giáp nhưng kỷ niệm khó quên nhất là lần đầu gặp ông vào tháng 10.1974. Lúc đó tôi thay mặt Thường vụ Đảng ủy mặt trận Tây nguyên ra gặp ông và Đại tướng Văn Tiến Dũng báo cáo chuẩn bị cho kế hoạch tổng tiến công vào năm tới.

Trước khi nghe báo cáo công việc, Đại tướng hỏi tôi vào Tây nguyên được bao lâu, tôi nói đã 10 năm, ông hỏi

tiếp trong thời gian đó tôi được ra thăm gia đình mấy lần. Khi nghe tôi nói đây là lần đầu tiên được ra Bắc và thăm gia đình, ông xúc động, trầm tư hẳn.

Trước khi tôi quay trở lại chiến trường, Đại tướng lại gọi tôi sang và dặn dò kỹ lưỡng cách tấn công vào trung tâm đầu não của địch ở Tây nguyên và nhắc đi nhắc lại không được bỏ lỡ thời cơ hành động. Ông còn mỉm cười nói với tôi “không bao lâu nữa tôi sẽ cho cậu ra thăm gia đình thật lâu…”. Lúc đó tôi không hiểu hết ý nghĩa câu nói đó của Đại tướng, chỉ nghĩ ông động viên, nhưng không ngờ đó là tiên đoán và dự liệu của ông. Và đúng là chỉ 5 tháng sau lần tôi gặp Đại tướng, chúng ta đã giải phóng Tây nguyên rồi Sài Gòn.

Đối với bác Giáp, không riêng tôi mà gần 90 triệu dân VN khi nghe tin này đều bàng hoàng, đau xót và thương tiếc.

(Trung tướng Nguyễn Quốc Thước)

Tầm nhìn chiến lược về khoa học công nghệ

 

Cả nước để tang Đại tướng4

Tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi mới ngoài 30 tuổi. Mùa xuân năm 1982, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại sắp đi vào hoạt động, tôi còn là một cán bộ kỹ thuật trẻ tuổi, làm việc tại Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ Điện và Than, được lãnh đạo Bộ cử đi cùng Đại tướng thăm Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Đại tướng mời tôi ngồi cùng xe với ông để tranh thủ thời gian hỏi những điều ông muốn làm rõ. Suốt trên đường đi, Đại tướng đặc biệt chú ý về vấn đề công nghệ của nhà máy, ông hỏi tôi “công nghệ đốt lò ở đây có giống với lò hơi của Nhà máy Uông Bí không?”. Qua trao đổi, tôi hiểu rằng ông muốn đánh giá công nghệ của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có thực sự hiện đại không, có phải là công nghệ thải ra từ các nước tiên tiến không, liệu khói từ nhà máy thải ra xung quanh có còn nhiều bụi không, có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và hoa màu, ruộng nương của bà con vùng sâu đang sống xung quanh nhà máy không… Những câu hỏi, những băn khoăn của Đại tướng làm tôi sững sờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì không ngờ Đại tướng am hiểu sâu sắc, tường tận về khoa học công nghệ như vậy.

Sáng nay (5.10) khi ra sạp báo, cầm trên tay tờ Thanh Niên, tôi bàng hoàng trào nước mắt. Điều tôi kính nể là người cầm quân suốt đời như Đại tướng mà rất am hiểu về khoa học công nghệ, có tầm nhìn chiến lược về vấn đề năng lượng. Những gì Đại tướng trao đổi, hỏi tôi hơn 30 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

(TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra, giám sát an toàn, Bộ Công nghiệp)

Bảo Cầm (ghi)

Theo TTXVN

Leave a Reply