Bài dự thi lay động lòng người của các bé thiểu năng

Hưởng ứng Cuộc thi Hát vì Giờ Trái Đất hướng đến chương trình Giờ Xanh – Âm nhạc cho Trái Đất, tháng 02 vừa qua, các em nhỏ bị Thiểu năng trí tuệ (Chậm phát triển trí tuệ – CPTTT ) do Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng (SECC) thuộc UNESCO Việt Nam phát động, các em đã có một clip dự thi thật ý nghĩa sau hơn 2 tháng tập luyện bài hát Em ước mong sao cùng sự hỗ trợ của cô giáo tại Trung tâm Giáo dục trẻ Khuyết tật quận 4.

Những câu ca ngô nghê lạc nhịp lại có sức lay động lòng người đến vậy. Vì nó thật, thật đến nao lòng… “Em ước mong em, giống như bạn em đấy thôi, đến lớp vui ca, hát vang mùa xuân trẻ thơ…”

Chắc chắn các em sinh ra đều mang một hy vọng cháy bỏng của người sinh thành. Em sẽ trở thành nhà kinh doanh, sẽ là nhà toán học hay đơn giản là một công nhân lành nghề…Dù trở thành ai, chắc chắn trong mong đợi của cha mẹ không phải là em của hôm nay, với tiếng hát được mất, với hình hài cũng khiếm khuyết như chính giọng hát em. Các em là những người được sinh ra phải chịu những nỗi đau, những khiếm khuyết về mặt cơ thể. Tuy nhiên, với tôi đó không là rào cản cho sự khác biệt tôi và họ. Tôi – những người trẻ sắp bước vào đời và họ – những con người không may trong cuộc sống có điểm chung lớn nhất, đó là KHÁT VỌNG.

Bạn tin tôi đi, bạn sẽ phải bất ngờ khi được tiếp xúc với những em bé thiểu năng, những người khuyết tật. Một khát vọng của sự hòa nhập một cách vô thức, trong ánh mắt tưởng đờ đẫn, vô cảm ấy là niềm hứng khởi đón chờ cuộc sống hiện tại và niềm tin to lớn vào tương lai dù rất gần. Những ánh mắt đó, gương mặt đó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều về cuộc đời này.

Bài hát Em ước mong sao như nỗi niềm của mọi người nói thay cho em, em bé thiểu năng muốn nói ra, muốn được chia sẻ cùng mọi người.

Xem các em hát, tôi cảm giác giữa các bé và chúng ta đều giống nhau. Các bé có khát vọng, có những ước mơ và niềm vui đơn giản như bao người khác. Khi chúng tôi đến thăm các em, cô Trương Thị Lợi, PGĐ TT cho biết “Các em háo hức, những mong chờ và cả sự hồi hộp khi sắp tới được góp phần làm nên chương trình Giờ Xanh – Âm nhạc cho Trái Đất 2015, hơn 3 tháng qua ngày nào các em cũng tập hát và  tích cực làm đồ handmade, tái chế để đem đến chương trình những sản phẩm do chính các em thực hiện”.

Mỗi lần nghe đến câu hát: “Em ước mong sao trẻ thơ đừng đau giống em” mà chỉ biết than trách cuộc đời nghiệt ngã…Mời các bạn xem clip để cảm nhận: http://goo.gl/F1U2J3

Trung tâm GDTKT Q.4, một cơ sở từ thiện Phật giáo, Thượng tọa Thích Từ Giang – Viện chủ Linh Quang tịnh xá (40/60 Nguyễn Khoái, P.2, Q.4) làm Giám đốc. Trung tâm đã hoạt động 23 năm qua – Nuôi dạy gần 100 trẻ khuyết tật – chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính với tinh thần từ thiện chăm sóc các trẻ bất hạnh của 25 nhân viên và giáo viên (website TT tại đây).

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền – người đảm nhiệm vai trò chăm sóc và kết nối các em trong sự kiện cho biết: “Đi học tại Anh, đôi khi còn thấy cả những trẻ bại não thể rất nặng, ngồi trên chiếc xe lăn chuyên dụng gần như không phản ứng gì với xung quanh nhưng người mẹ đi cùng vẫn trò chuyện đủ thứ cùng con. Mình cũng nghe chị bạn ở trường kể về con: bé thường ăn trưa muộn hơn các bạn vì bé trong đội hỗ trợ cho các bạn có nhu cầu đặc biệt (special needs) dù bản thân bé cũng là trẻ đặc biệt với chứng giảm chú ý và khó đọc. Mình từng nghĩ trẻ khuyết tật ở Anh nhiều chắc do phụ nữ Anh thường sinh con hoặc ở tuổi rất sớm (sự cố ngoài ý muốn của teen) hoặc rất trễ (khi sự nghiệp xong xuôi, tức ngoài 35). Nhưng sau này mình nghĩ khác. Mình thấy nhiều trẻ vì những đứa trẻ khuyết tật ở Anh không bị xã hội hay gia đình GIẤU đi, chúng được thừa nhận sự tồn tại với sự cảm thông và giúp đỡ tốt nhất có thể. Ở Việt Nam, phần lớn đều bị cô lập và cô đơn  trong chính căn nhà của chúng. Những đứa trẻ khuyết tật nếu không bị gia đình giấu biệt trong nhà thì sẽ được gửi vào trường chuyên biệt – cũng là một thế giới dành riêng cho chúng, hoặc đau xót hơn, chúng là “miếng mồi” để kiếm tiền cho những người lang thang… Trong khi không ít trong số đó nếu được hỗ trợ vẫn có khả năng hoà nhập tốt vào môi trường xã hội như trẻ bình thường. Những đứa trẻ đó xứng đáng được thừa nhận, được bước ra ngoài xã hội”.

Theo “Đại cương về giáo dục trẻ CPTTT” của tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Hằng, Trẻ CPTTT cũng có những nhu cầu như trẻ bình thường nếu không muốn nói đó là những nhu cầu vô cùng mạnh mẽ và cấp bách đối với các em. Tuy nhiên, những hạn chế do khuyết tật gây ra có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thể chất và tinh thần. Vì vậy, các em có những nhu cầu cấp bách đòi hỏi phải hỗ trợ, kích thích nhu cầu cũng như mong muốn, nỗ lực để đáp ứng của chính bản thân trẻ, giúp các em có thể tham gia hoạt động và hoà nhập với xã hội dễ dàng.

Những nhu cầu cơ bản của trẻ CPTT là :

+ Nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở và chăm sóc y tế.

+ Nhu cầu được vui chơi, giải trí: thấy những trẻ khác vui chơi các em cũng rất muốn được tham gia, được chơi đặc biệt là những trò chơi vui nhộn hấp dẫn… Trẻ rất thích xem các chương trình trò chơi, chương trình thiếu nhi vui nhộn trên TV, nghe đài…

+ Nhu cầu được đi học: Các em cũng rất thích được đi học, mong muốn được đến trường. Biểu hiện: trẻ rất thích cầm bút viết mặc dù chỉ viết được những chữ rất đơn giản, có khi chỉ là những nét vẽ nguyệch ngoạc, trẻ rất thích đeo cặp sách….

+ Nhu cầu về an toàn: Nhiều  trẻ chậm phát triển rất e dè, mất tự tin, các em không thích tiếp xúc với người lạ.

+ Nhu cầu khẳng định bản thân: Nhiều trẻ CPTTT rất muốn được thể hiện trước đám đông: múa, hát..

–  Khả năng của trẻ CPTTT

Theo quan điểm của Tật học hiện đại thì trẻ khuyết tật không phải ít phát triển hơn so với trẻ bình thường mà chúng phát triển theo một chiều hướng khác. Mọi trẻ em sinh ra và lớn lên trong xã hội loài người đều có những nhu cầu cơ bản về cơ thể, sự an toàn và những khả năng nhất định. Trẻ khuyết tật cũng có những nhu cầu cơ bản và khả năng nhất định tuy ở những mức độ khác nhau so với trẻ em bình thường. Trẻ CPTTT cũng có những khả năng nhất định. Đó là biết mặc quần áo, vệ sinh nhà cửa, lau rửa bát chén… Trẻ cũng có khả năng múa, làm xiếc (uốn thân, ngồi xếp bằng)…trẻ có khả năng nhận biết các hiệu lệnh….tất nhiên mức độ khả năng của trẻ có thấp hơn những trẻ bình thường rất nhiều.

Trẻ có thể tham gia các hoạt động như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Tuy nhiên trẻ có được tham gia các hoạt động đó để thể hiện và phát triển các tiềm năng của bản thân hay không tuỳ thuộc phần lớn vào sự tạo điều kiện của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Và chương trình Giờ xanh – Âm nhạc cho Trái Đất – Kết nối yêu thương cùng âm nhạc sẽ thực thi trách nhiệm xã hội đó.

Ban biên tập dự án Giờ Xanh

Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng (SECC)

Leave a Reply