Một thoáng Đạ Hoai
Ngày 18.8.2014 đoàn chúng tôi gồm 8 người đã có một chuyến đi đáng nhớ đến huỵện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng để thực hiện Phóng sự “Nỗi đau của trẻ em liên quan đến tai nạn giao thông”
Sau chặng đường dài mệt mỏi, ai cũng chỉ muốn ăn tạm một bữa ăn, ngã lưng tạm xuống một chiếc giường để có thể lấy lại năng lượng mà thực hiện phóng sự. Thế nhưng, cả đoàn đã vô cùng bất ngờ vì sự đón tiếp nồng hậu từ người dân nơi đây, dù chỉ là những món ăn dân dã (gà thả vườn, cá vừa bắt dưới ao, măng rừng…), nhưng cũng đủ khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, và lập tức quên hết những mệt mỏi, ngại ngần ban đầu để bắt tay ngay vào công việc.
Chuyên đề phóng sự “Nỗi đau của trẻ em liên quan đến tai nạn giao thông” nhằm mục đích đem đến những cái nhìn cận cảnh hơn về nỗi đau của những gia đình có người thân đã qua đời hoặc vẫn đang gánh chịu những tổn thương do tai nạn giao thông để lại, đặc biệt là trẻ em. Phóng sự của chúng tôi xoay quanh 4 gia đình:
Gia đình bé Hoàng Vũ Bảo Trung
Trong một lần đứng đợi anh trai mua bánh, em bị một chiếc xe tài nhỏ cán qua bàn tay phải và lôi đi gần 10m. May mắn được hàng xóm phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại Bảo Lộc em đã qua cơn nguy kịch. Sau đó, em được chuyển xuống bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TpHCM để cấy ghép da và phẫu thuật phục hồi lại bàn tay phải bị xe tải cán qua.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Cúc
Chồng chị mất đi, để lại một nỗi ám ảnh cho đứa con trai lớn của chị: “Nếu con không bị bệnh thì cha đã không xảy ra chuyện”, cháu luôn tự dằn vặt bản thân chỉ vì cha cháu ra đi khi đang trên đường chở cháu đi khám bệnh, để lại gia đình côi cút cùng tổ ấm vẫn chưa kịp xây xong.
Gia đình chị Trần Thị Quý
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày con trai lớn của chị qua đời do bị xe bồn cán qua nữa người, nhưng nỗi đau của chị vẫn còn chưa nguôi. Trong ngần ấy thời gian, chị chỉ mong có một lời giải thích, một kết quả rõ ràng cho các chết bi thảm ấy, là con chị sai hay tài xế xe bồn sai, nhưng mọi sự vẫn chưa có lời giải đáp.
Gia đình chị Vi Thị Ngọc Lan
Chồng chị là anh Nguyễn Hữu Thiếc lao động chính trong nhà, bị liệt tay do tai nạn giao thông, anh đang phải phẫu thuật nối dây thần kinh 4 lần, mỗi lần 18 triệu. Từ khi chồng gặp chuyện không may, chị phải bương chải lo cho cả gia đình gồm chồng, con và cha mẹ già yếu, người cha bị bệnh tâm thần và thường xuyên bỏ nhà đi không biết đường về.
Càng lắng nghe những điều mà họ trải lòng, càng thúc đầy chúng tôi nhanh chóng hoàn thành phóng sự một cách hoàn hảo nhất. Hy vọng bằng lòng chân thành và quyết tâm của mình, chúng tôi có thể đem đếnmột cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống của những con người bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, đồng thời giúp cải thiện được một phần nhận thức tiêu cực của người dân Việt Nam: “Sống chết có số”. Mỗi người dân phải có trách nhiệm trước nhất là với bản thân, sau đó là với gia đình, thông quá những hành động nhỏ, như: chạy xe an toàn, trang bị những kiến thức cần thiết khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông, cũng như tuân thủ các luật lệ đảm bảo an toàn giao thông…
Hành trình của chúng tôi đã kết thúc, nhưng vẫn còn đọng lại đó sự chân chất, hiếu khách, tốt bụng của người dân nơi đây, những con người dù nghèo tiền nghèo bạc nhưng giàu tình cảm, giàu ý chí, nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Hy vọng những con người ấy, sẽ mãi tiếp tục mạnh mẽ bước đi đến trọn cuộc đời.
Bích Ngọc