Siêu bão Haiyan – Cần nhiều hơn những lời nói
Ngày 8/11/2013 vừa qua là thời khắc kinh hoàng nhất trong lịch sử thiên tai ở Philipines. Siêu bão Hải Yến (海燕/ Haiyan) được coi là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất năm 2013 đã đổ bộ vào đất nước này, gây thiệt hại lớn về người và của, khiến cho người dân nơi đây rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, thương vong và cần tiêu tốn hàng triệu USD để khắc phục hậu quả.
Philipines tan hoang sau siêu bão
4h40, ngày 8/11, siêu bão Haiyan đổ bộ vào đảo Samar ở miền Trung Philippines, cách thủ đô Manila 600 km về phía Đông. Nhanh chóng di chuyển về phía Tây Bắc, Haiyan tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo. “Sức gió đạt tới 310 km/h, hiếm có tòa nhà nào chịu được gió mạnh đến thế”, AFP dẫn lời miêu tả của chuyên gia khí tượng Jeff Master thuộc tổ chức Weather Underground. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Haiyan là cơn bão chết chóc xếp thứ 2 trong lịch sử thiên tai thế giới (chỉ sau bão Tip năm 1979).
Siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines khiến nhiều khu vực bị chìm sâu trong nước lũ, thiệt hại nặng nề. Các thành phố và làng mạc nằm cách bờ biển 1km bị ngập lụt, khiến xác người nổi lềnh bềnh, đường phố đầy mảnh vỡ và cây cối bị đổ. Siêu bão cấp 5 này có sức gió ước tính lên tới 310 km/h và giật 379km/h, thuộc hàng mạnh nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. Tầm ảnh hưởng của Haiyan rộng hơn 483 km, gây ra nhiều con sóng lớn ở những khu vực nó đi qua. Sau khi hủy diệt mọi thứ trên đường đi qua Philippines, bão tiếp tục tấn công Việt Nam nhưng may mắn là với sức gió đã giảm nhẹ (140km/h). Trung Quốc cũng chịu thảm cảnh tương tự và mức độ thiệt hại cũng nhẹ hơn rất nhiều.
(Hình ảnh trước và sau cơn bão tại thành phố Tacliban: Nguồn: Google and DigitalGlobe)
Tài liệu thống kê cho tới thời điểm hiện tại khiến tất cả đều phải suy ngẫm. Cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra con số cụ thể: hơn 330.000 người mất nhà cửa và 4,3 triệu người bị ảnh hưởng bởi cơn bão tại 36 tỉnh của Philippines. Theo 1 quan chức dự đoán, 10.000 người là số nạn nhân có thể đã chết sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines. Tuy nhiên, Tổng thống Benigno Aquino ước tính con số này thấp hơn, khoảng 2.500 người. Tính đến thời điểm này đã có 1.833 người Philippines được xác nhận là thiệt mạng. Bên cạnh đó, 6 tỉnh miền Trung Philippines, nơi bị siêu bão đổ bộ trực tiếp là phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. 800.000 người Philippines buộc phải sơ tán, tổng giá trị thiệt hại do Haiyan gây ra trên lãnh thổ Philippines ước tính lên đến 14 tỉ USD.
“Hiện số người thiệt mạng nhiều kinh khủng, thi thể la liệt ở khắp nơi, thiệt hại rất nặng nề”. Richard Gordon, chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Philippines nói với BBC.
“Tất cả thật hỗn loạn vào lúc này, tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi có nhiều cứu trợ được đưa đến hơn”. Ông cũng nói nhiều tuyến giao thông đã được giải tỏa, giúp lực lượng nhân viên cứu hộ tiếp cận được những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Đến giờ chúng tôi mới có thể tiến vào những khu vực bị cách ly và cung cấp những hàng hóa cần thiết như lương thực, nước uống, và những thứ cần thiết cho các nạn nhân”, ông nói.
Những hình ảnh xé lòng sau tại Philipines sau bão.
Nguồn: Reds.vn
(Khóc thương những nạn nhân xấu số)
(Một người dân bần thần nhìn nhà cửa giờ chỉ còn là đống đổ nát)
(Trẻ con đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại)
(Dòng người nối đuôi nhau chờ được tiếp tế)
(Tình trạng hôi của lại trở thành vấn nạn lớn vì sự phản ứng chậm chạp của chính phủ trong công tác cứu trợ)
(Mức công phá dữ dội của sức gió lên đến 310km/h)
(Mọi thứ trở nên tan hoang, tiêu điều sau cơn bão)
(Người dân đảo Bantayan xếp dòng chữ kêu cứu để được tiếp viện. Nguồn: ITV News1)
Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP19) và bài phát biểu khiến cả thế giới chết lặng:
(Trưởng đoàn đàm phán Philiipines tham dự COP 19)
Ông Yeb Sano đã có bài phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn khả năng một cơn bão tàn khốc khác có thể hình thành, như siêu bão Haiyan đã ập vào quê hương ông hồi cuối tuần.
Ông Sano cũng đã bất ngờ nói thêm một lời tuyên bố cá nhân – vốn không được soạn sẵn trước đó – về việc tuyệt thực trong quá trình diễn ra hội nghị cho đến khi đạt được những bước tiến có ý nghĩa. Ông nói: “Để đoàn kết với đồng bào tôi, những người đang đấu tranh để tìm thức ăn ở nhà và với em trai tôi, người chưa ăn gì suốt ba ngày qua, với tất cả lòng kính trọng, thưa ngài Chủ tịch, và tôi không hề có ý không tôn trọng long hiếu khách tử tế của ngài, từ giờ tôi sẽ bắt đầu tình nguyện tuyệt thực vì khí hậu. Nghĩa là tôi sẽ tự nguyện không ăn trong COP này cho đến khi thấy được một kết quả có ý nghĩa.”
Một cách quyết liệt, ông cho rằng: “Trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (UNFCCC), quá trình này được gọi bằng rất, rất nhiều cái tên. Nó được gọi là một trò hề. Hay một cuộc tụ họp thường niên phát ra lắm khí các-bon của những kẻ nhiều tham vọng nhưng vô dụng. Nó được đặt cho nhiều cái tên như thế. Và điều đó thật đau lòng. Nhưng vài năm trước, UNFCCC đã từng được gọi là Dự án cứu hành tinh. Hay là “Cứu ngày mai ngay hôm nay”. Và hôm nay tất cả chúng ta sẽ nói rằng “Tôi quan tâm.” Chúng ta có thể sửa lại điều đó. Chúng ta có thể chấm dứt tình trạng điên rồ này ngay bây giờ, ngay ở đây, ở giữa sân chơi này, và làm đúng với cái tiêu chuẩn chúng ta đã đặt ra. Thưa Ngài Chủ tịch, Ngài Bộ trưởng, phái đoàn chúng tôi xin kêu gọi các vị hãy dẫn dắt chúng tôi, và hãy để Ba Lan cùng thủ đô Warsaw này mãi được biết đến là nơi chúng ta đã thật sự quan tâm tới việc chấm dứt sự điên rồ ấy. Nếu đây là nhiệm vụ của chúng tôi ở Warsaw, các vị có thể tin tưởng phái đoàn chúng tôi. Liệu nhân loại có tận dụng được cơ hội này? Tôi vẫn tin chúng ta có thể.” (theo Bài diễn văn của ông Yeb Sano)
Siêu bão Haiyan là hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu. Giáo sư Will Steffen (ĐH Quốc gia Úc) nói: “Chúng ta biết nhiệt độ mặt nước biển ấm lên khá nhiều trên khắp hành tinh, vì vậy sự biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp vào bản chất của cơn bão”. Tờ báo nghiên cứu khoa học địa lý tự nhiên Nature Geoscience từ năm 2010 đã nhận thấy rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ gia tăng cường độ trung bình của các cơn bão, trong khi đó lại khiến số lượng các cơn bão giảm xuống. Nghĩa là bão xuất hiện ít hơn nhưng cường độ lại mạnh hơn. Họ cũng phát hiện ra rằng lượng mưa tại tâm bão sẽ tăng thêm 20%. Biến đổi khí hậu khiến cường độ các cơn bão ngày càng lớn, dẫn đến các trận mưa to làm tăng nguy cơ lũ lụt. Một nghiên cứu của giáo sư Myles Allen (ĐH Oxford, Anh) cho thấy trận lụt lịch sử tại Anh năm 2000 đã trở nên nghiêm trọng hơn gấp 2-3 lần có thể là do sự nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu khác cũng cho thấy chính sự nóng lên toàn cầu đã khiến trận nắng nóng khắc nghiệt ở Nga năm 2010 đã làm 50.000 người thiệt mạng cũng đã trở nên khắc nghiệt hơn đến 3 lần. Theo giáo sư Allen: “Chúng ta cần biết biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào tại thời điểm hiện tại chứ không phải là trong 100 năm nữa. Chúng ta đã phạm sai lầm khi cho rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Thực chất, một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn và một số người bị ảnh hưởng ít hơn. Nhưng chúng ta không biết ai sẽ là ai cả”.
Phòng chống biến đổi khí hậu – cần nhiều hơn những lời nói.
Vì “tai họa chẳng bao giờ là tự nhiên”, nên mỗi cá nhân đang tồn tại ở Trái Đất này, được hít thở không khí và sống nhờ vào mẹ thiên nhiên, xin hãy có những hành động thiết thực hơn là chỉ những lời kêu gọi, tuyên truyền suông. Sự thật đã được phơi bày, “với những ai vẫn còn phủ nhận biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân, tôi xin thách người đó dám bước ra khỏi tháp ngà hay chiếc ghế bành êm ấm của họ mà nhìn vào hậu quả của nó” – Yeb Sano. Mỗi hành động chung tay góp sức vào việc chống lại biến đổi khí hậu đều không chỉ là dành riêng cho Philipines hay những nước quanh năm “sống cùng thiên tai” như Việt Nam, mà là dành cho tương lai của tất cả chúng ta, của Trái Đất này, nơi chúng ta đang sống.
Hãy hành động cùng GreenTalk, vì ở đây, chúng ta cùng chung một TIẾNG NÓI.
BBT – BTT
Nguồn: http://gioxanh.unesco-secc.org/
Tôi rất ủng hộ chương trình của Green Talk. Khi nào có hoạt động cần tình nguyện viên tham gia, ban tổ chức có thể gửi về địa chỉ mail cho tôi được không ạ! Tôi rất muốn tham gia những chương trình vì môi trường như thế này!
Cảm ơn rất nhiều!